Lịch sử danh hiệu Công chúa

Tiên Tần

Trước thời Chu, hệ thống giai tầng xã hội chưa hoàn bị, các xưng hiệu chưa rõ ràng. Đến đời Chu thiên tử, các vị Thiên tử xưng Vương, vốn họ Cơ, vì vậy con gái Chu vương được gọi là Vương Cơ (王姬). Các nữ công tử— con gái các quốc quân chư hầu— các nước khác hcặc được gọi bằng khuê danh, như Công tử Khuynh con gái của Nguỵ Văn hầu, hoặc được gọi kết hợp thịtính tương tự các Vương Cơ, như các đích thê Vương Cơ (thuộc vương tộc họ Cơ), Sái Cơ (thuộc Sái thị họ Cơ), Từ Doanh (thuộc Từ thị họ Doanh) của Tề Hoàn công, Triệu Trang Cơ con Tấn Văn công (gọi theo thị của chồng là Triệu Sóc). Tuy vậy, do ảnh hưởng điều này, phụ nữ Trung Quốc thời Chu (thậm chí đến đầu đời Hán) thường được chép tên hiệu với từ Cơ ghép phía sau như Ly Cơ, Triệu Cơ, Ngu Cơ... Đến thời Chiến Quốc, các chư hầu đều xưng Vương, con gái các vua chư hầu đầu xưng là Công chúa, cũng có khi là Quân chúa (君主). Riêng con gái Chu vương vẫn xưng là Vương Cơ.

Khi Tần diệt Chu, Vương thị bị phế bỏ, do đó danh hiệu Vương Cơ cũng không còn. Bấy giờ, do vương thất nước Tần đều mang họ Doanh, nên con gái trong vương thất được gọi là Tần Doanh, những vị có thuỵ hiệu được gọi tên ghép hiệu với chữ Doanh như Hoài Doanh, Văn Doanh... Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, phong hiệu cho các Hoàng nữ vẫn chưa được ghi chép rõ. Thời Bắc Tống, Tư Mã Quang có chép rằng các con gái của Tần Thủy Hoàng có được gọi là Công chúa.[3]

Lưỡng Hán và Tân triều

Sang đầu thời Tây Hán, chế độ sách phong, tấn phong và đãi ngộ cho con gái và cháu gái Hoàng đế được hình thành. Theo đó, các Hoàng nữ xưng là Công chúa, con gái các Vương (gọi là Vương nữ) thì xưng là Ông chúa hoặc Vương chúa (王主)[4]. Đồng thời, bởi vì tư liệu lịch sử khuyết thiếu, cảnh ngộ của công chúa triều đầu Tây Hán cho đến nay vẫn là vấn đề khó lý giải.

Công chúa đầu tiên được sử liệu ghi chép là Lỗ Nguyên công chúa, con gái của Hoàng đế khai quốc nhà Hán Lưu Bang. Tuy nhiên, "Lỗ Nguyên" chỉ là thụy hiệu được đặt sau này, còn tên thật của bà không được ghi chép lại. Phần "Nhị niên pháp lệnh" (二年律令) trong cuốn sách Trương gia sơn Hán giản (張家山漢簡) được tìm thấy tại tại huyện Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc đã ghi lại như sau:「"Lý công chúa, Thân Đồ công chúa, Vinh công chúa, Phó chủ gia thừa trật các tam bách thạch"; 李公主申徒公主荣公主傅主家丞秩各三百石」, sau khi sửa sang ý nghĩa một chút thì có thể hiểu câu này đề cập đến Lý công chúa, Thân Đồ công chúa, Vinh công chúa và Phó công chúa. Lý giải về các danh xưng này, có thuyết cho rằng Lý, Thân Đồ, Vinh và Phó đều là họ của các vị công chúa ấy, và các vị là những con gái do thiếp thất của Hán Cao Tổ cùng Hán Huệ Đế sinh ra[5]. Lý giải này cũng cho rằng khi ấy các công chúa đều mang họ mẹ, tuy nhiên không thể nào xác định được thực hư do các pháp lệnh chi tiết thời Hán vẫn chưa được phục hồi đầy đủ.

Đời Hán Văn Đế, từ khi Trưởng nữ Lưu Phiêu là người đầu tiên chính thức được phong hiệu Công chúa, thì danh xưng Công chúa bắt đầu có quy phạm, đều theo kiễu 「Mỗ mỗ công chúa; 某某公主」. Nói Mỗ mỗ, tức là Mỗ mỗ huyện, các Công chúa đều lấy tên thực ấp mà gọi, như Lưu Phiêu là Quán Đào công chúa, theo thực ấp của Công chúa là huyện Quán Đào. Ngoài ra, khi sắc phong thì Lưu Phiêu được gọi là Trưởng công chúa (長公主; giản xưng Trưởng chúa), khi sang thời Hán Vũ Đế trở thành Đại Trưởng công chúa (大長公主; giản xưng Đại chúa). Căn cứ theo Hậu Hán thư - Hoàng hậu kỷ có viết: 「"Hán chế, Hoàng nữ tắc phong Huyện công chúa, nghi phục ngang Liệt hầu. Những người được coi trọng, gia hiệu Trưởng công chúa, nghi phục ngang Phiên vương"」[6]. Lúc này, con gái cả do Trung cung sinh ra của Hoàng đế, theo lệ sẽ được phong Trưởng công chúa, địa vị ngang với Chư hầu Vương. Ngoài ra, Hoàng đế cũng có thể gia phong tước vị Trưởng công chúa cho chị mình, như Hán Vũ Đế gia phong Bình Dương công chúa, hay Hán Chiêu Đế phong chị mình phong hiệu là Cái Trưởng công chúa (蓋長公主).

Khi các Công chúa được gả cho bậc tước Hầu, phong hiệu của Công chúa đó sẽ đổi theo phong hiệu của chồng. Như Dương Tín công chúa, con gái của Hán Cảnh Đế, khi được gả cho Bình Dương hầu Tào Thì, phong hiệu của bà được cải thành Bình Dương công chúa. Do tước hiệu Công chúa không có tính thế tập, nên vẫn xảy ra trường hợp 2 công chúa có cùng phong hiệu (ở những thời điểm khác nhau), như trường hợp phong hiệu Quán Đào công chúa từng được phong cho Lưu Phiêu (con gái Hán Văn Đế) và Lưu Thi (con gái Hán Tuyên Đế). Hoặc có trường hợp phong hiệu gây nhầm lẫn với liệt hầu khác như Dương Tín công chúa với Dương Tín hầu. Bên cạnh đó, Hậu Hán thư cũng ghi, con trai của của Hoàng nữ được phong Công chúa, đều tập phong tước của mẹ liệt vào tước Hầu.

Khi Vương Mãng lên ngôi, đã phế bỏ tước hiệu Công chúa, cải thành tước hiệu Thất chúa (室主), cải phong hiệu của con gái mình từ Định An Thái hậu của nhà Hán thành Hoàng Hoàng thất chúa (黃皇室主). Sử liệu của ghi chép lại tước hiệu của hai con gái Vương Mãng là Vương Diệp và Vương Tiệp được phong lần lượt là Mục Tu nhiệm (睦脩任) và Mục Đãi nhiệm (睦逮任)[7].

Đến đời Đông Hán, tước hiệu Công chúa được phục hồi, nhưng lại bỏ tước hiệu Ông chúa của vương nữ. Phân định các bậc Công chúa được phân thành Huyện công chúa (縣公主; gọi tắt là Huyện chúa; 縣主), dành cho Hoàng nữ; còn tước vị Hương công chúa (鄉公主; gọi tắt là Hương chúa; 鄉主) và Đình công chúa (縣公主; gọi tắt là Đình chúa; 亭主), đều phong cho các Vương nữ. Căn cứ theo ghi chú của Thái Ung rằng:"Đế nữ phong Công chúa, vị ngang Liệt hầu. Tỷ muội phong Trưởng công chúa, vị ngang Chư hầu Vương" (帝女曰公主,仪比列侯。姊妹曰长公主,仪比诸侯王。), lúc này danh vị Trưởng công chúa đã định hình là sắc phong cho chị hoặc em gái Hoàng đế[8].

Ngụy Tấn đến Nam Bắc triều

Ảnh họa "Thiên thu tuyệt diễm đồ" thời nhà Minh, vẽ Nhạc Xương công chúa.

Thời Tam Quốc, chiến tranh loạn lạc, sử liệu thất lạc, cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ vốn dĩ chỉ ghi thông tin nhân vật, tuyệt nhiên không có điển chế hay hiến chương, vì thế chỉ có thể phỏng đoán thể chế phong hiệu các Công chúa vẫn phỏng theo nhà Hán.

Triều đình Tào Ngụy vẫn dùng phong hiệu và quy tắc cũ thời Hán; ví dụ như Đông Hương công chúa (東鄉公主) con gái của Tào Ngụy Văn Đế Tào Phi; hay có con gái của Tào Ngụy Minh Đế Tào Duệ là Tào Thục (曹淑) có thụy hiệu Bình Nguyên Ý công chúa (平原懿公主), hay như Đức Dương Hương chúa (德陽鄉主) - em gái Tào Chân, vợ của Hạ Hầu Thượng; xem phong hiệu thì toàn bộ theo như cũ là dựa vào tên đất phong, tên huyện mà lấy làm phong hiệu. Ở Đông Ngô, lại thấy tình trạng các Hoàng nữ lấy họ chồng mà gọi. Như hai con gái của Tôn QuyềnTôn Lỗ Ban cùng Tôn Lỗ Dục (孫魯育) lần lượt là Toàn công chúa (全公主) và Chu công chúa (朱公主). Nhưng các Hoàng nữ thời Tam Quốc cũng không phải là đều được phong, như Tào Tiết là em gái Tào Phi, Kế hậu của Hán Hiến Đế, khi Hiến Đế bị giáng làm Sơn Dương công, bà chỉ là Sơn Dương công phu nhân (山陽公夫人) mà không có gia hiệu nào khác. Hai người chị của Tôn Quyền, cũng như em gái út Tôn phu nhân, cũng không hề thấy ghi lại được gia phong huy hiệu Công chúa. Nhà Thục Hán của Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị không có ghi lại phong con gái làm Công chúa.

Sang đến đời Nhà Tấn, Đế nữ được phong hiệu theo quận tên quận, tức là Quận công chúa, gọi tắt là Quận chúa, phong hiệu các Vương nữ gọi là Huyện chúa. Lúc này "Huyện chúa" đã là danh xưng cố định, không được dùng xưng hiệu "Huyện công chúa" nữa[9].

Thời Nam-Bắc triều, Công chúa là tước hiệu dành cho Hoàng nữ, tuy nhiên trên thực tế vẫn được phong cho các nữ giới khác trong dòng tông thất, như Lang Tà công chúa (琅邪公主), Lan Lăng công chúa (兰陵公主). Nhà Nam Trần cũng có tông thất phong Công chúa, như Tín Nghĩa công chúa (信義公主). Phong hiệu của các Công chúa lấy theo tên quận hoặc huyện được phong.

Đường, Tống đến Minh

Tượng Văn Thành công chúa của nhà Đường.

Thời Nhà Đường, tước hiệu Công chúa, ngoài các Hoàng nữ, còn được phong cho các nữ nhân trong Tông Thất, thậm chí các con gái của các Phò mã hoặc của các đại thần cũng được phong tước hiệu Công chúa, đó như là một danh hiệu phong tặng không còn bị gò bó chỉ dành cho Hoàng nữ. Đây dường như là do nhà Đường áp dụng chính sách Hòa thân, dùng tước Công chúa để nâng địa vị của những người được chọn để gả cho các Phiên vương - đa phần là được chọn từ các con gái Tông Thất vậy[10].

Các bậc Công chúa cũng quy định rõ[11][12][13], mà về sau là căn bản cho các triều đại tiếp theo:

  • Hoàng cô, tức cô ruột của Hoàng đế, phong là Đại Trưởng công chúa (大長公主), trật Chính nhất phẩm;
  • Hoàng tỷ muội, tức chị em gái Hoàng đế, phong là Trưởng công chúa (長公主), trật Chính nhất phẩm;
  • Hoàng nữ, tức con gái Hoàng đế, phong là Công chúa (公主), trật Chính nhất phẩm;
  • Con gái Hoàng thái tử phong là Quận chúa (郡主), trật Tòng nhất phẩm;
  • Con gái Thân vương phong là Huyện chúa (縣主), trật Chính nhị phẩm (Tân Đường thư ghi Tòng);

Tuy nhiên, trừ trường hợp được phong hiệu Công chúa chính thức, từ bậc Quận chúa trở xuống không được xưng hiệu là "Quận công chúa", "Huyện công chúa" như các đời trước. Từ đời Duệ Tông, định tước hiệu cho Công chúa đều là tên Tiểu quốc thời cổ, như Đại Quốc công chúa rồi Tiêu Quốc công chúa, mà việc được chọn gia phong Quốc hiệu dường như được xem là cao hơn phong hiệu khác. Sách Cựu Đường thư có đề qua trường hợp truy phong như sau:「”Kỷ Dậu, Đồng Xương công chúa mất, truy phong Vệ Quốc công chúa, thụy là Văn Ý”; 己酉,同昌公主薨,追贈衛國公主,謚曰文懿。」.

Thời Tống, ngoài áp dụng phong hiệu từ thời Đường, còn bổ sung thêm bậc Lưỡng Quốc Đại Trưởng công chúa (兩國大長公主) dành cho những nữ giới vai trò là Cô tổ mẫu của Hoàng đế. Ban đầu, các Hoàng nữ khi vừa ra đời sẽ được ban hiệu theo kiểu mỹ danh kèm danh hiệu Công chúa, khi kết hôn đều sẽ đổi thành tên Tiểu quốc, hơn nữa giữa các danh hiệu Tiểu quốc lại có trên dưới khác nhau.

Đến đời Tống Huy Tông phỏng theo chế độ nhà Chu, cải tước hiệu Công chúa thành Đế cơ (帝姬). Các bậc dưới cũng được cải lại như Quận chúa thành Tông cơ (宗姬), Huyện chúa thành Tộc cơ (族姬). Các tước dành cho Mệnh phụ như Quận quân sửa thành Thục nhân (淑人), Thạc nhân (碩人), Lệnh nhân (令人), Cung nhân (恭人); còn Huyện quân sửa thành Thất nhân (室人), An nhân (安人), Nhụ nhân (孺人); sau đó Thất nhân lại sửa tiếp thành Nghi nhân (宜人). Khi Bắc Tống diệt vong, Nam Tống phục hưng, do thấy chữ Cơ (姬) cùng âm với chữ Cơ (飢) mang ý nghĩa không may mắn, Tống Cao Tông quyết định cải tước hiệu Công chúa, Quận chúa, huyện chúa như cũ. Tuy nhiên, các phong hiệu Thục nhân, Lệnh nhân này nọ đều giữ lại, trở thành danh hiệu cho các Ngoại mệnh phụ[14].

Sử liệu không ghi rõ nhà Liêu quy định tước hiệu Công chúa như thế nào. Các con gái Hoàng đế Liêu có thể được ghi dưới cả danh hiệu Công chúa, Quận chúa và Huyện chúa, thậm chí có chuyện CÔng chúa giáng phong Quận chúa hay Huyện chúa. Nhà Kim quy định rõ hơn, Hoàng nữ được phong "Công chúa", Vương nữ được phong "Huyện chúa". Tước "Công chúa" tuy được quy định là tên huyện, có khoảng 30 tên[15], nhưng trong Kim sử xuất hiện rất nhiều Công chúa vẫn là 「"X Quốc công chúa"」 như các đời Đường và Tống trước đó[16]. Tuy phong hiệu của Huyện chúa cũng được lấy tên huyện để gia phong, nhưng bậc Huyện chúa không được xem như là "Huyện công chúa"[17]. Đến nhà Nguyên thì các Hoàng nữ, Vương nữ đều xưng là Công chúa[18], tên gọi có theo kiểu tên Quốc hoặc là phiên âm chữ Hán của tên Mông Cổ.

Sang thời đại nhà Minh, theo điển chế mà Minh sử quy định[19]:

  • Hoàng cô phong là Đại Trưởng công chúa (大長公主);
  • Hoàng tỷ muội phong là Trưởng công chúa (長公主);
  • Hoàng nữ phong là Công chúa (公主);
  • Con gái Thân vương phong là Quận chúa (郡主);
  • Con gái Quận vương phong là Huyện chúa (縣主);
  • Tôn nữ của Vương đều phong là Quận quân (郡君);
  • Tằng tôn nữ của Vương đều phong là Huyện quân (縣君);
  • Huyền tôn nữ của Vương đều phong là Hương quân (鄉君);

Lúc này các Hoàng nữ cùng Tông nữ đều không hưởng theo trật phẩm, mà có định lệ riêng. Các tước Công chúa khi sách phong đều nhận Kim sách, lộc 2000 thạch, chồng được gia phong Phò mã Đô úy. Từ Quận chúa trở xuống ăn lộc 800 thạch giảm dần, khi sách phong không nhận Kim sách, chỉ nhận Cáo phong, chồng đều gia phong Nghi tân.

Mãn Thanh

Vinh Thọ Cố Luân Công chúa - công chúa cuối cùng của nhà Thanh

Thời Hậu Kim, khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích khai quốc, triều nghi còn đơn giản, các con gái và cháu gái Đại hãn đều xưng là Cách cách (chữ Mãn: ᡤᡝᡤᡝ, Gégé, 格格). Khi Hoàng Thái Cực lên ngôi Hoàng đế, cải quốc hiệu thành Đại Thanh, đã phỏng theo người Hán, quy định con gái của Hoàng đế phong hiệu là Công chúa.

Sau khi quân Thanh chiếm được Trung Quốc, năm Thuận Trị thứ 17 (1660), nhà Thanh ra chế định thứ bậc phong hiệu của các Hoàng nữ như sau:

  • Cố Luân công chúa (固倫公主): ban cho con gái do Hoàng hậu sinh ra. Cố Luân có nghĩa là "thiên hạ" trong tiếng Mãn Châu.
  • Hòa Thạc công chúa (和碩公主): ban cho con gái do các Phi tần sinh ra. Hòa Thạc có nghĩa là "bốn phương, bốn mặt" trong tiếng Mãn Châu.

Đối với các tông nữ, phân thành các bậc:

  • Quận chúa (郡主): thường được ban cho con gái các Thân vương;
  • Huyện chúa (县主): thường được ban cho con gái của Thế tử, Quận vương;
  • Quận quân (郡君): thường được ban cho con gái của Bối lặc;
  • Huyện quân (县君): thường được ban cho con gái của Bối tử;
  • Hương quân (鄉君): thường được ban cho con gái của Phụng ân Trấn quốc công và Phụng ân Phụ quốc công. Con gái hàng Bất nhập bát phân đều chỉ xưng Tông nữ (宗女)[20];

Trước khi Thanh Thế Tổ ra luật gọi chuyển hết thành Hán ngữ, các Vương nữ đều xưng Cách cách. Con gái Thân vương là [Hòa Thạc cách cách; 和碩格格]; con gái của Thế tử, Quận vương là [Đa La cách cách; 多羅格格]; còn con gái của Bối tử là [Cố Sơn cách cách; 固山格格].

Trên thực tế, vẫn có những trường hợp được nâng bậc lên mà không phải xét đến xuất thân đã định sẵng. Ví dụ như Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa vốn là con của Đôn phi Uông thị, đáng lẽ nên chỉ là bậc ["Hòa Thạc công chúa"], nhưng Thanh Cao Tông vẫn phá lệ nâng lên bậc ["Cố Luân công chúa"]. Hoặc như Vinh Thọ Cố Luân Công chúa, trưởng nữ của Cung thân vương Dịch Hân, vốn chỉ là Vương nữ, thành Quận chúa, nhưng tại năm 7 tuổi được Từ Hi thái hậu đưa vào cung nuôi dưỡng, phá cách phong lên bậc ["Cố Luân công chúa"]. Bà cũng chính là vị Công chúa cuối cùng được ghi nhận của nhà Thanh.